ĐỒNG BỘ PHÂN LOẠI, XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, từ ngày 1-1-2025, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại tại hộ gia đình, sau đó được thu gom, tập kết, vận chuyển.
Trong trường hợp vi phạm tại hộ gia đình, mức xử phạt có thể lên tới 1 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác tại hộ gia đình và tập kết rác đã được phân loại như thế nào… Đây là những vấn đề cần được quan tâm nhằm bảo đảm đồng bộ phân loại tại nguồn đến phân loại khi thu gom và vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt, từ đó thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội phát sinh gần 7.000 tấn rác thải sinh hoạt/ngày. Tuy nhiên, có một thực trạng đang diễn ra là người dân chưa quan tâm thực hiện các quy định phân loại rác tại nhà, trong khi công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác còn hạn chế.
Thường xuyên đi đổ rác hằng ngày, anh Trần Xuân Tùng (quận Ba Đình) chưa biết phải phân loại rác thải ra sao. “Gia đình tôi vẫn phân loại rác theo thói quen, chọn ra những gì mang bán phế liệu như vỏ chai, sách báo, nhôm nhựa..., còn lại cho chung vào túi và mang ra điểm đổ rác”, anh Tùng nói.
Cũng có một số người dân chủ động phân loại rác, nhưng việc tập kết rác đã được phân loại thế nào cũng chưa được thực hiện. Đã có ý thức phân loại rác thải sinh hoạt từ nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Hồng (quận Hà Đông) cho rằng, tự phân loại rác không khó thực hiện cũng như không tốn kém chi phí. Từ đó, chị sắm nhiều loại bao đựng rác, cái để các loại rác thực phẩm, cái đựng vỏ chai, cái bỏ lon bia, hộp nhựa, thùng giấy... Chỉ có điều, mỗi khi mang đến điểm tập kết ở nhà rác tầng chung cư, những túi rác mà chị đã phân loại, lại bị bỏ chung vào cùng với rác thải không được phân loại khác. “Không biết sau khi thu gom, đơn vị môi trường có phân loại để xử lý không, nếu không thì việc phân loại rác tại hộ gia đình trở nên vô tác dụng”, chị Hồng nói.
Thực tế hiện nay, bên cạnh một số địa phương, đơn vị đã triển khai thí điểm phân loại rác thải tại nguồn, thì nhiều địa phương trên địa bàn thành phố vẫn chậm triển khai thực hiện. Không chỉ vậy, hạ tầng thu gom và xử lý rác thải không đồng bộ, thiếu quy hoạch, có thể dẫn đến việc không bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường về thời gian thực hiện phân loại rác thải tại nguồn phải hoàn thành trước ngày 31-12-2024.
Từ thực tế trên, các địa phương cần tiếp tục xây dựng chương trình, chiến dịch tuyên truyền, thu hút sự hưởng ứng của nhân dân trong việc thực hiện phân loại rác thải tại gia đình. Trong đó, các cơ quan chuyên môn cần ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết, tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ nguồn lực đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý rác, từ đó triển khai thực hiện đồng bộ từ phân loại tại nguồn đến thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt. Thực hiện được đồng bộ vấn đề này không chỉ đóng góp tích cực vào việc xây dựng một môi trường sống xanh, sạch mà còn hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và bền vững.
#Nguồn: Báo Tài Nguyên và Môi Trường
- Hệ Thống Xử Lý Nước Thải Chế Biến Hạt Điều (02.12.2024)
- CỬA HÀNG XĂNG DẦU CÓ PHẢI LÀM GIẤY PHÉP MÔI TRƯỜNG KHÔNG? (21.11.2024)
- HƯỚNG DẪN LÀM THỦ TỤC MÔI TRƯỜNG CHO CƠ SỞ SẢN XUẤT (31.10.2024)
- CÁC CÔNG NGHỆ XỬ LÝ NƯỚC THẢI ĐƯỢC SỬ DỤNG TẠI VIỆT NAM (17.10.2024)
- XỬ LÝ COLIFORM TRONG NƯỚC THẢI BẰNG CÁCH NÀO? (14.10.2024)
- TOP 9 LOÀI THỰC VẬT THỦY SINH LỌC NƯỚC PHỔ BIẾN HIỆN NAY (30.09.2024)
- ĐẶC TÍNH NƯỚC THẢI CHĂN NUÔI HEO, PHƯƠNG ÁN VÀ MÔ HÌNH XỬ LÝ HIỆU QUẢ (10.09.2024)
- CÁC XU HƯỚNG XỬ LÝ NƯỚC THẢI TRONG TƯƠNG LAI (05.09.2024)
- HỘ CHĂN NUÔI CÓ CẦN LÀM GIẤY PHÉP MÔI TRƯỜNG KHÔNG? (29.08.2024)
- THÔNG BÁO LỊCH NGHỈ LỄ QUỐC KHÁNH 2.9 (26.08.2024)