Khắc phục sự cố vi sinh trong hệ thống xử lý nước thải sau Tết
Sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, một số hệ thống xử lý nước thải gặp tình trạng về sự cố vi sinh ở bể sinh học như: bị nổi bọt trắng, bọt nâu, bùn trương nở, bùn nổi, hay chỉ số nitơ, ammonia ở mức cao hay mỡ đóng ván ở hệ thống.
Nguyên nhân chủ yếu là do tắt điện để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Dẫn đến thiếu dưỡng chất cho vi sinh. Một nguyên nhân khác là do không có người trông coi và kiểm tra các chỉ số như DO, pH thường xuyên.
Để khắc phục sự cố vi sinh xảy ra ở trên, ngay khi quay lại vận hành hệ thống xử lý nước thải sau Tết, bạn cần phải:
- Kiểm tra tình trạng hoạt động của tất cả các máy móc thiết bị trong hệ thống, bao gồm: Các bơm nước thải đặt chìm, máy thổi khí đặt cạn, bơm bùn tuần hoàn, bơm định lượng hóa chất, đồng hồ đo lưu lượng nước thải…
- Kiểm tra xem tủ điện (công tắc, cầu chì, đèn…) còn hoạt động hay không. Dây dẫn điện có bị đứt hoặc rò rỉ ở vị trí nào không, để nhanh chóng thay thế và sửa chữa.
- Kiểm tra thùng chứa hóa chất (PAC, xút, acid, clorin, javel, …) xem lượng hóa chất có còn đủ cho hệ thống làm việc hay không. Nếu còn ít hoặc không còn thì phải bổ sung với liều lượng và nồng độ định mức. Nhằm giúp quá trình xử lý của hệ thống không bị gián đoạn.
- Kiểm tra tình trạng các van đóng mở của toàn hệ thống.
- Quan sát màu nước. Test nhanh các chỉ tiêu DO, pH, độ kiềm, MLVSS. Sau đó phán đoán và tìm ra nguyên nhân để có hướng xử lý.
Khắc phục một số sự cố vi sinh thường gặp khi vận hành hệ thống xử lý nước thải sau Tết như:
- Mùi hôi: Đầu tiên phải xác định mùi hôi phát sinh ra từ bể nào của hệ thống. Sau đó kiểm tra các cánh khuấy có làm xáo trộn hoàn toàn nước thải và bơm bùn có bơm thường xuyên hay không. Có thể tiến hành vệ sinh bể hoặc bổ sung vi sinh xử lý nước thải và vi sinh khử mùi hôi cho hệ thống.
- Bùn trương nở ở bể lắng: Kiểm tra thông số pH, DO và dưỡng chất cho vi sinh. Giảm tỷ lệ F/M. Có thể giảm nước thải đầu vào qua bể sinh học trong vài ngày. Hoặc bổ sung vi sinh xử lý nước thải hay vi sinh phân hủy bùn.
- Bùn nổi ở bể lắng: Duy trì pH ở mức 7. Giảm tỷ lệ F/M. Tăng lượng bùn tuần hoàn. giảm thải bùn. Bổ sung dưỡng chất cho vi sinh theo tỷ lệ BOD:N:P = 100:5:1. Có thể bổ sung vi sinh xử lý nước thải để tăng mật độ vi sinh.
- Bọt trắng ở bể Aerotank: Kiểm tra xem có sử dụng dư chất hoạt động bề mặt ở quy trình sản xuất hay không. Nếu không, tăng MLVSS bằng cách tăng lượng bùn tuần hoàn, giảm thải bùn, tăng tỷ lệ F/M. Có thể phun nước để phá bọt hoặc sử dụng vi sinh xử lý nước thải để xử lý nhanh.
Tin liên quan